Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Tình yêu Việt Nam của một người Áo

Tình yêu Việt Nam của một người Áo

Tình yêu Việt Nam của một người Áo

Sách "Việt Nam tình yêu của tôi" kể về quãng đời có thật của Ernst Frey - một người Áo đứng trong hàng ngũ Việt Minh, đấu tranh hết mình cho hòa bình.

Cuốn hồi ký ghi lại cuộc đời của Ernst Frey từ khi sinh ra cho tới năm 1950 - khi ông rời Việt Nam để về Áo. Ban đầu, Ernst Frey viết tới 1.200 trang bản thảo, cuối cùng được biên tập, rút gọn đi còn 400 trang. Ernst Frey qua đời năm 1991, khi cuốn sách chưa kịp xuất bản. Hai con gái của ông được mời tới Việt Nam năm 1996, xúc động về tình cảm của cha với dân tộc Việt Nam, cũng như của những người bạn chiến đấu dành cho Ernst Frey, họ đã thực hiện di nguyện cuối cùng của cha - phát hành cuốn sách.

Tự truyện Việt Nam, tình yêu của tôi hay Một người Do Thái thành Vienna phục vụ Hồ Chí Minh vừa được NXB Tri Thức phát hành với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Áo ở Việt Nam.

Trong phần đầu cuốn sách, Ernst Frey kể về tuổi ấu thơ của mình tại Áo. Ông sinh năm 1915 ở thành phố Vienna, trong một gia đình Do Thái. Năm 1934 ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Vừa là người Do Thái, vừa là người cộng sản, ông nhiều lần bị giam giữ dưới chế độ phát xít Áo. Cuộc trốn thoát năm 1938 đưa ông đi một hành trình dài, qua Thụy Sỹ, Pháp, Algeria rồi dừng chân ở Đông Dương.

body-Ern-Frey-4230-1402057669.jpg

Sách Việt Nam, tình yêu của tôi. Bìa sách là tấm ảnh Ernst Frey được chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1941, Ernst Frey đến Đông Dương với tư cách tình nguyện quân. Thời điểm đó, ông thường liên lạc với những người cộng sản qua đồng chí Phong (sau này ông mới biết đó chính là Tổng bí thư Trường Chinh).

Khi được gia nhập Đảng Cộng sản, ông viết: "Lần này thì tôi có đủ lý do để ăn mừng - đó là việc gia nhập đảng của cả bọn, trong đó có tôi. Từ ngày rời Paris cho đến giờ, những sự kiện chính trị cứ đến với tôi một cách ngẫu nhiên, như là một vật vô chủ trôi dạt vào bờ cát vậy; bây giờ tôi đã tìm được vùng đất rắn để đặt chân lên".

Ernst Frey tham gia Việt Minh. Ông nhận nhiệm vụ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là huấn luyện quân sự cho những sĩ quan đầu tiên của quân đội Việt Nam. Ernst Frey được phong hàm đại tá, với tên Nguyễn Dân. Ông sát cánh cùng tướng Giáp trong nhiều trận đánh, tham gia những trận ở đèo An Khê, ở Pháo đài Láng... Đại tá Nguyễn Dân cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tới tham gia cuộc đón tiếp phái đoàn từ Nam Bộ ra.

Trong cuốn tự truyện, những hoạt động của Ernst Frey ghi lại góc nhìn của một người ngoại quốc về một giai đoạn lịch sử Việt Nam. Có những đoạn sách nói về các vĩ nhân dân tộc hết sức chân thật. Như đoạn được diện kiến Hồ Chủ Tịch, ngoài việc miêu tả sự giản dị hết mực, Ernst Frey còn thể hiện sự tôn kính với Hồ Chủ Tịch như mọi người dân Việt tôn kính vị cha già của dân tộc.

Bên cạnh các sự kiện, diễn biến thời cuộc, tự truyện còn cho thấy những khía cạnh rất đời của một con người. Chi tiết Ernst Frey đưa ba tháng lương của mình cho một phụ nữ ở Phú Thọ để có thể sống cuộc sống vợ chồng, rồi bị cô này lừa cho thấy sự trung thực của cuốn tự truyện. Hay đoạn một đại tá do Nguyễn Dân huấn luyện khi đối mặt với kẻ thù, ném 5 quả lựu đạn nhưng lại không nổ cũng được ghi lại sống động. Đó là những khía cạnh rất "người" mà mỗi cá nhân nào cũng có thể gặp phải trong cuộc sống.

Năm 1950, khi Việt Nam đã gắn với ông như một quê hương thứ hai thì Ernst Frey phải trở về Áo. Ở Vienna, ông hoạt động thương mại, lập gia đình và sinh con. Mặc dù cuộc đời của Ernst Frey còn nối dài hơn bốn chục năm nữa, cuốn hồi ký về cuộc đời ông dừng lại ở năm 1950, lúc ông chia tay thầm lặng với Việt Nam.

body-4619-1402115358.jpg

Ernst Frey trong thời gian ở Việt Nam.

Tới năm 1992, Ernst Frey nhận được thư của Võ Nguyên Giáp. Ông vui mừng khôn xiết. Trong thư hồi đáp Tướng Giáp năm 1992, Ernst Frey bày tỏ tình yêu của mình đối với Việt Nam: "Tất cả tình yêu mà tôi dành cho Việt Nam và dân tộc này, ở chừng mực nào đó, tập trung vào cá nhân đồng chí, và sự chân thành của đồng chí đã làm tôi vui sướng biết bao. Đối với tôi thì Việt Nam, dẫu có những khó khăn về ngôn ngữ, là quê hương mà năm 1950 tôi phải để lại. Đó cũng là đất nước duy nhất mà vì nó, tôi sẵn sàng hy sinh cả máu mình".

Ernst Frey viết cuốn tự truyện về cuộc đời hoạt động của mình bằng tiếng Áo, nhưng tiêu đề của nó được viết bằng tiếng Pháp: "Vietnam, mon amour" - một câu phổ biến mà hầu hết các công dân trên thế giới đều hiểu - để thể hiện tình yêu của mình với Việt Nam. Cuốn sách vừa được xuất bản tại Việt Nam qua bản dịch của Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh.

Lam Thu

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét