Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

'Truyện Vĩnh Nguyên tục nhưng không cần phải cấm'

'Truyện Vĩnh Nguyên tục nhưng không cần phải cấm'

'Truyện Vĩnh Nguyên tục nhưng không cần phải cấm'

Đọc cuốn 'Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông' của Nguyễn Vĩnh Nguyên đang bị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM yêu cầu tịch thu, một nhà giáo cho rằng truyện tục, vài nhà văn cho rằng truyện đáng đọc.
> Yêu cầu tịch thu sách Nguyễn Vĩnh Nguyên vì cho là dâm ô

Hà Linh - Thoại Hà - 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Căn cứ nào để ra quyết định này?

Cuốn sách không in chui, được cấp phép xuất bản đàng hoàng và cũng đã ra mắt bạn đọc được nửa năm, tức là có một khoảng thời gian đến với công chúng rồi. Trong suốt thời gian đó, tôi không thấy có báo chí, dư luận kêu la gì về chuyện nó "truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy". Vậy người ta đã căn cứ vào đâu để ra quyết định này. Tôi chia sẻ với quan điểm của tác giả, rằng trước khi ra một quyết định sinh sát với một tác phẩm văn học, cần có một hội đồng chuyên môn đủ uy tín thẩm định. Việc tịch thu, thu hồi, đình chỉ, ngừng phát hành vẫn thường xảy ra trong đời sống xuất bản ở Việt Nam và nó gây thiệt hại lớn cho cả nhà xuất bản và nhà văn.

nguyen-danh-lam-ghep-1348824227_480x0.jp
Tác giả Nguyễn Danh Lam (trái) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: st

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng (giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn): Cố gắng tạo biểu tượng nhưng chưa thành công

Các truyện trong tác phẩm này đều cố gắng tạo nên biểu tượng nhưng viết chưa tới. Có một truyện viết hơi tục - Bản tường trình kèm theo những tra cứu khác nhau xoay quanh một sự cố không khớp. Tên truyện hơi trúc trắc nhưng nội dung rất đơn giản, kể về cuộc làm tình "không khớp" của một đôi tình nhân. Cách viết của tác giả ở truyện này hơi tục nhưng không cần thiết phải cấm hay tịch thu. Nguyễn Vĩnh Nguyên là tác giả chịu khó tìm tòi đổi mới về hình thức, nhưng theo tôi là chưa thành công.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Không nên can thiệp sâu vào công việc người viết!

Lâu lắm rồi ở TP HCM mới xảy ra một vụ tịch thu sách đột ngột như thế này. Vì thế, vụ việc khiến cho nhiều người quan tâm, chứ theo tôi cũng chẳng có gì để làm ầm ĩ.

Trước đây, tôi từng nhận xét Nguyễn Vĩnh Nguyên chỉ viết "văn học ô mai". Nhưng cuốn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông, tôi cho là đáng để đọc, ít ra là với những người làm nghề viết thích tìm tòi. Tôi cũng cho đây là tác phẩm khá nhất của Vĩnh Nguyên từ trước đến nay.

Trong truyện ngắn Phiên bản khác về người đàn ông ăn rau răm, tác giả có dẫn một câu nói: "Hãy tự cứu mình trước khi chờ trời cứu". Đây vốn là câu nói nổi tiếng của một vị lãnh đạo trước đây, nhưng lại được dẫn vào câu phát biểu về chuyện "tự sướng" trong đời sống tình dục của một nhân vật. Không biết có phải Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM muốn tịch thu cuốn sách này vì thế hay không? Nhưng nếu đây bị xem là lỗi thì chúng ta nên xem lại cách đọc văn học. Đọc văn học không thể áp đặt như thế. Văn học được phép nói về những gì thuộc về con người.

Tôi không phản đối nhận xét của Sở Thông tin và Truyền thông khi cho rằng đây là một cuốn sách viết nhiều về tình dục, nhưng tình dục là một chuyện bình thường, như ăn ngủ, sinh con đẻ cái nên không có gì là vi phạm thuần phong mỹ tục. Nếu anh chàng nhân vật của Nguyễn Vĩnh Nguyên muốn "tự sướng" một mình hắn thì cũng chẳng sao cả, cứ để hắn làm. Xã hội hiện nay cũng có cái nhìn thoáng về giới les, gay thì chuyện này cũng chẳng có gì to tát. Cấm là đi ngược lại xu hướng phát triển của xã hội...

Nguyễn Danh Lam: "Cuốn sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên đáng để đọc"

Theo tôi, cuốn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của Nguyễn Vĩnh Nguyên là một trong những cuốn sách văn học trong nước đáng đọc nhất trong vài năm trở lại đây. Sách cho thấy một lối viết mới lạ, có nhiều tìm tòi, khám phá, thể nghiệm. Nội dung sách cũng không có gì là khiêu dâm dù nó có nói nhiều về tình dục. So với các tác phẩm nước ngoài được xuất bản tại Việt Nam hiện nay, ví dụ như Hạt cơ bản hay một vài cuốn của Haruki Murakami, "nồng độ" tình dục (tôi tạm gọi là nồng độ) trong cuốn sách của Vĩnh Nguyên còn thấp hơn rất nhiều. Sex trong cuốn này đều có lý do và mang chất văn học.

Còn về phán quyết của Sở Thông tin Truyền thông TP HCM, tôi chỉ nói thế này: trong văn học hay trong cuộc đời, việc ai thì người ấy cứ làm. Các cơ quan chức năng cứ làm việc của cơ quan chức năng. Còn người viết cứ hãy làm công việc sáng tạo của họ. Và người chịu trách nhiệm trước bạn đọc về trang viết của mình không phải ai khác ngoài chính tác giả.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn (ủy viên Hội đồng lý luận phê bình Hội nhà văn TP HCM): "Trang viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên còn thiếu vệ sinh"

Trước hết, phải khẳng định Nguyễn Vĩnh Nguyên là một cây bút chịu khó tìm tòi để đổi mới cách viết truyện ngắn. Tập sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông tiếp tục chứng minh ý thức cách tân của tác giả này. 13 truyện ngắn đứng cạnh nhau thể hiện rất rõ dụng tâm của Nguyễn Vĩnh Nguyên, khao khát phản ánh tâm trạng trống rỗng của những mảnh đời uể oải.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.

Truyện ngắn thông thường dựa trên sự liên kết những tình huống, còn truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên chủ yếu là sự liên kết những suy nghĩ. Ngoài truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông, còn có truyện ngắn Đời sống của kẻ khác rất thú vị. Tuy nhiên, ở một vài truyện ngắn, Nguyễn Vĩnh Nguyên tỏ ra nhầm lẫn giữa sở trường và sở đoản của bản thân. Ưu điểm của Nguyễn Vĩnh Nguyên là miêu tả những biến chuyển cảm giác, còn điểm yếu của Nguyễn Vĩnh Nguyên là miêu tả những hành vi tính dục.

Tôi dám chắc, Nguyễn Vĩnh Nguyên không có khả năng viết dâm thư. Có truyện ngắn lẽ ra sẽ hay, nếu tác giả khai thác yếu tố sex với bản lĩnh cao hơn một chút. Ví dụ, Chiếc chìa khóa của người ăn từ điển rõ ràng nhằm lý giải "muốn nhìn cái quá trình suy tàn của sự sống trên bình diện vật chất" nhưng bị phá hỏng bởi những đoạn văn ân ái ngớ ngẩn.

Cũng giống nhiều nhà văn khác, Nguyễn Vĩnh Nguyên dùng yếu tố sex như một phương tiện, chứ không phải một mục đích. Chỉ đáng tiếc, phương tiện sử dụng không được khéo léo lắm, đã quay sang đánh đổ cả truyện ngắn mang dấu vết hậu hiện đại tiêu biểu nhất của Nguyễn Vĩnh Nguyên là Bản tường trình kèm theo những tra cứu khác nhau xoay quanh một sự cố không khớp. Còn truyện ngắn Bức tranh hồ điệp, theo tôi, cũng nên băn khoăn. Bức tranh hồ điệp xen lẫn thực và mộng, nhiều đoạn tác giả cố gắng làm truyền nhân của Bồ Tùng Linh. Nhưng chi tiết giải tỏa ẩn ức giữa người chồng và người vợ xét ở góc độ thẩm mỹ thì hơi không đảm bảo yếu tố vệ sinh.

Trong những tác giả trẻ, Nguyễn Vĩnh Nguyên là một người có thái độ cầm bút chuyên nghiệp. Thế nhưng, đôi chỗ còn vụng về hoặc quá khích, khiến nhiều người nghi ngờ thiện chí sáng tạo của anh. Ví dụ, truyện ngắn Chữ bay có lời thoại: "Con với nó hãy xem nhau như anh em. Vì ba từng yêu cô ấy. Mẹ từng cướp ba từ hốc nách có mùi chồn hương của cô ấy. Và ba từng giằng cô ấy ra khỏi tay thằng cha thanh tra văn hóa phì nộn kia". Lời thoại này có thể là nguyên nhân khiến tác phẩm của anh bị xem là dễ sinh sự!

Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết, các cấp quản lý địa phương vẫn có quyền xử lý sai phạm của các NXB thuộc địa bàn của họ. Tịch thu sách tức là thu lại những gì đã phát hành trên thị trường. Nhưng quyết định này thường chủ yếu được đưa ra với các vi phạm hành chính như sai phép, sách lậu… chứ ít khi liên quan đến các vấn đề về nội dung.

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét