Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Tăng trưởng quý III có thể đạt 6,42%

Tăng trưởng quý III có thể đạt 6,42%

Tăng trưởng quý III có thể đạt 6,42% Cho rằng GDP năm nay có thể hoàn thành mục tiêu, song các chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận đúng về thực trạng nền kinh tế, khi tiềm năng tăng trưởng lại có dấu hiệu đi xuống.
  • Kiểm toán đề án tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước / Trái đắng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế

Phát biểu tại hội thảo kinh tế vĩ mô do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (29/7), các chuyên gia nhận định kinh tế đang trong đà đi lên và có sự phục hồi rõ nét. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt mức 6,28%, lạm phát dưới 1%, dự báo quý III/2015, kinh tế sẽ tiếp tục tăng 6,42% và cả năm khả năng cao sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra (6,2%). Lạm phát dự kiến cũng sẽ kiểm soát dưới 5%.

CIEM dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quý III/2015

Tăng trưởng GDP so với cùng kỳ 2014 6,42%
Lạm phát so với cuối quý I/2015 0,92%
Tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ 2014 10,6%
Cán cân thương mại  -0,8 tỷ USD

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo bày tỏ nhìn bề ngoài, bức tranh kinh tế có vẻ tốt, các chỉ số được cải thiện, nhưng sâu bên trong lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. "Nhìn xu hướng tăng trưởng, chúng ta thấy tăng trưởng GDP đang tăng lên từ mức đáy. Nhưng nhìn sang tiềm năng tăng trưởng, có vẻ đang đi xuống. Đó là nghịch lý", ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM nói.

tai-co-cau-kinh-te-7331-1438157510.jpg

Tăng trưởng kinh tế mới đạt được kỳ vọng về con số, còn thực chất vẫn chưa thấy nhiều hiệu quả. Ảnh: Quý Đoàn

Cụ thể, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật ngân sách chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí. Tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chưa được chạm đến. Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu vẫn chưa đạt được mục tiêu quan trọng nhất, đó là phân bổ lại nguồn lực hợp lý và nâng cao năng suất lao động. "Thông thường, vốn phải chảy sang nơi có hiệu quả sử dụng cao hơn, nhưng ở Việt Nam đang có xu hướng ngược lại", ông Cung nói.

Bình luận về vấn đề này, tiến sĩ Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay triển vọng kinh tế sẽ không thể sáng ngay được mà phải chấp nhận trong một vài năm. "Phải có sự đánh giá thẳng thắn hơn, mổ xẻ lại, nhìn thẳng vào sự thật tình hình kinh tế xã hội, những cái yếu kém, trật khấc thì mới có thể khắc phục, đổi mới được", ông Hồ nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM thì lại cho rằng để có sự tăng trưởng thực chất, tất yếu phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. "Muốn nhanh, muốn mạnh thì phải làm được cái phi thường, nhưng muốn làm được như vậy thì phải chấp nhận trả giá. Song ở Việt Nam, một mặt chúng ta hò hét, nhưng một mặt không chấp nhận trả giá thì làm sao làm được", vị này thẳng thắn.

Lấy ví dụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ông cho biết Việt Nam muốn giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, song lại chưa tính đến việc phải phát triển các khu vực khác như thế nào cho hợp lý để kéo lao động từ khu vực phi chính thức sang.

"Chúng ta không dám làm việc phi thường thì đừng mong có kết quả phi thường. Kết quả cứ bình bình như vậy thôi", ông Bá khuyến nghị. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung cũng đồng tình Nhà nước phải có cách làm khác, còn cách làm như bấy lâu nay thì không thể có kết quả tốt hơn.

Về trung và dài hạn, tiến sĩ Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế, xã hội Quốc gia cho rằng cần lưu ý sâu sắc tới một số vấn đề trọng tâm, trong đó nợ xấu, nợ công và chính sách tiền tệ đáng suy nghĩ, bởi thực tế là chênh lệch lãi suất huy động và cho vay vẫn xấp xỉ 70%, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Mô hình tăng trưởng cũng cần xem xét lại. "Tôi cho rằng mô hình tăng trưởng hiện nay lạc hậu, cần có đột phá", ông Ân nhận xét. Đồng thời, các công cụ quản lý Nhà nước cũng cần phát huy hiệu quả hơn để lập lại kỷ cương thị trường, tránh dẫn đến việc lợi ích nhóm cản trở tăng trưởng.

Phương Linh

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét