Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Chiêu né bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp

Chiêu né bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp

Chiêu né bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp
Thay vì đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dựa trên mức thu nhập thực tế thì doanh nghiệp lại đóng theo mức lương căn bản, khiến cho người lao động chịu nhiều thiệt thòi.
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP HCM với các doanh nghiệp trên địa bàn, sáng 29/5, ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc bảo hiểm xã hội TP HCM phản ánh, hiện nay, trên địa bàn TP HCM hiếm có doanh nghiệp nào trả lương người lao động dưới 4 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đóng bảo hiểm xã hội doanh nghiệp lại chỉ đóng ở mức bằng hoặc trên lương tối thiểu vùng không đáng là bao. Do đó, khi người lao động nghỉ thai sản, dù họ được hưởng 100% mức lương đóng bảo hiểm xã hội, cũng chỉ nhận vỏn vẹn 2,7-3 triệu đồng một tháng.
Trong khi đó, tiền lương thực tế hay còn gọi là thu nhập của người lao động tại các doanh nghiệp hoàn toàn khác và có sự chênh lệch khá cao. Nếu doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đúng với mức thực tế này, họ sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí hay ốm đau thai sản ổn định và cao gấp nhiều lần so với mức đóng theo lương căn bản ghi trong hợp đồng.
"Chính vì đóng bảo hiểm không đúng thu nhập thực tế nên khi người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn… họ được nhận tiền trợ cấp bảo hiểm cực kỳ thấp, bởi lẽ đầu vào quá thấp", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng cho biết thêm, để giúp người lao động có được chế độ tốt, mới đây Quốc hội cũng đang bàn bạc về vấn đề này và tìm hướng điều chỉnh. Nếu không có gì thay đổi và được sự phê duyệt từ Quốc hội, kể từ tháng 1/2018 thu nhập tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ là thu nhập thực tế chứ không phải là lương cơ bản. Ông Tiến cũng đề nghị các doanh nghiệp cần quan tâm đến đời sống của người lao động hơn thông qua các chế độ, để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
anh-2.jpg
Doanh nghiệp còn lúng túng trong vấn đề giải quyết chính sách tiền lương cho người lao động. Ảnh: Hồng Châu.
Cũng tại buổi đối thoại, một doanh nghiệp sản xuất thắc mắc trường hợp khi tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhưng người lao động đã có sổ ở công ty cũ. Tuy nhiên, công ty cũ của những nhân viên này chưa chốt sổ cho họ vì ngưng hoạt động, giám đốc đã bỏ trốn và còn nợ tiền bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp này, công ty nên giải quyết ra sao?
Giải đáp vấn đề trên, đại diện Bảo hiểm Xã hội TP HCM cho hay, đối với đơn vị bỏ trốn, doanh nghiệp có thể liên hệ với Liên đoàn lao động và các sở liên ngành để tiến hành rà soát. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, doanh nghiệp có thể đóng tiền bảo hiểm trước đó cho họ. Có như vậy, người lao động mới được chốt sổ.
Một doanh nghiệp khác làm về dịch vụ lại khá lúng túng trong chuyện giải quyết chế độ cho những lao động ngắn hạn. Lãnh đạo bảo hiểm xã hội cho hay, doanh nghiệp nên thanh toán tiền lương và chế độ cho những đối tượng này thông qua 2% lợi nhuận giữ lại, yêu cầu phải giải quyết trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Nếu doanh nghiệp dùng 2% lợi nhuận giữ lại vẫn không đủ thanh toán thì phải có văn bản giải trình để giải quyết chế độ cho người lao động phù hợp nhất.
Đối với trường hợp người lao động làm việc tại công ty từ năm 2013, nay suy giảm 91% khả năng lao động được do tăng huyết áp và suy thận giai đoạn cuối. Theo lãnh đạo Sở Lao động và Thương binh xã hội TP HCM, doanh nghiệp có thể chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu muốn giúp đỡ, doanh nghiệp có thể trợ cấp tiền khám chữa bệnh hàng tháng cho người lao động trên.
Ngoài việc thắc mắc một số vấn đề về chính sách tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp, một số doanh nghiệp đưa ra góp ý về việc đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, một công ty chế biến gỗ cho rằng, việc tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian gần đây và tăng tiền lương cơ bản tối thiểu vùng đã khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Đáp lại góp ý này, lãnh đạo thành phố cho hay, tiền lương tối thiểu vùng hàng năm được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng. Hiện mức lương tối thiểu vùng không cao. Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng gần cuối bảng trong trả lương cho người lao động và chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar. Do vậy, để thu hút lao động, doanh nghiệp cần có lộ trình tăng lương hợp lý. Đồng thời doanh nghiệp cần tính toán lại chi phí quản lý, bộ máy, tái cấu trúc lại doanh nghiệp một cách hiệu quả để trả mức lương xứng đáng hơn cho người lao động, thay vì than thở.
Hồng Châu

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét