Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Cửa hẹp vay ngoại tệ với doanh nghiệp xuất khẩu

Cửa hẹp vay ngoại tệ với doanh nghiệp xuất khẩu

Cửa hẹp vay ngoại tệ với doanh nghiệp xuất khẩu
Sau 2 năm được vay ngoại tệ để sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp có thể phải dừng lại nếu Ngân hàng Nhà nước không gia hạn. 
  • Siết quy định vay ngoại tệ
Kể từ 2013, các ngân hàng được phép cho vay ngoại tệ đối với 4 nhóm nhu cầu, gồm vay ngắn hạn - trung và dài hạn để thanh toán nhập khẩu; vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu; vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu và vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Theo quy định tại Thông tư 29/2013 của Ngân hàng Nhà nước, các nhu cầu vay nhập khẩu xăng dầu và vay xuất khẩu sẽ chỉ được đáp ứng đến hết ngày 31/12/2014.
Trong lúc Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành các quy định mới thay thế, kể từ ngày 1/1/2015, ngân hàng có thể chỉ được cho vay ngoại tệ với hai mục đích gồm cho vay để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; đầu tư ra nước ngoài với các dự án, công trình quan trọng được cấp phép. Khách hàng muốn vay phải chứng minh có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.
Ngoài các lĩnh vực trên, tổ chức tín dụng cũng xem xét cho vay ngoại tệ với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh nhưng phải thông qua sự phê chuẩn của Ngân hàng Nhà nước.
Các giao dịch, quan hệ ngoại tệ trên thị trường theo đó sẽ từng bước chuyển từ vay mượn sang mua bán. Hành động này của nhà điều hành nhằm mục tiêu tập trung chống và giảm đôla hóa trong nền kinh tế; giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD và nâng vị thế đồng nội tệ Việt Nam.
ngoai-te-2964-1404298682-8963-1418625066
Chỉ còn 2 tuần nữa, ngân hàng sẽ dừng cho vay bằng ngoại tệ. Ảnh: QH.
Trong 2 năm mở rộng nhóm đối tượng được vay ngoại tệ cộng với tỷ giá được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cam kết duy trì mức ổn định (tăng 1-2% mỗi năm), lãi suất hấp dẫn, tín dụng ngoại tệ tăng khá mạnh.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho biết, lãi suất tiền đồng vẫn còn cao (trên dưới 10% một năm), nên nhiều doanh nghiệp thời gian qua chủ yếu vay USD và chuyển đổi sang tiền đồng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Lãi suất vay USD tuỳ từng điều kiện của doanh nghệp. Những đơn vị tốt có thể tiếp cận lãi suất ngắn hạn trên dưới 3,5% một năm", ông nói.
Trên thị trường, lãi suất vay ngắn hạn đồng đôla Mỹ đang dao động 3-5%, còn vay dài hạn cao nhất vào khoảng 7%. Trong khi đó, lãi suất vay tiền đồng ngắn hạn thấp nhất cũng 7-8% và dài hạn dao động 10-11% một năm.
Trong khi lãi suất ổn định, tỷ giá dao động trong phạm vi hẹp, tín dụng ngoại tệ trở thành một nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp vay ngân hàng 500.000 USD (hơn 10 tỷ đồng), với lãi suất 4% một năm. Tính ra lãi suất phải trả cho khoản vay này khoảng 20.000 USD, tương đương tầm 428 triệu đồng một năm, thấp hơn một nửa so với vay số tiền đồng tương ứng.
"Rất nhiều đơn vị đã tranh thủ được nguồn vốn giá trị này để tiết giảm chi phí, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như thời gian qua", ông Hưng nói.
Và có thể đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước đã hai lần vào cuối năm 2012 và 2013 bằng việc ra văn bản điều chỉnh, hoãn việc ngừng cho vay ngoại tệ đối với hai nhóm khách hàng là doanh nghiệp vay để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua biên giới và các đầu mối thanh toán tiền nhập khẩu xăng dầu. Bởi trong bối cảnh khó khăn, một nguồn vốn rẻ như vậy là sự hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu.
Với những ưu thế này, tín dụng ngoại tệ thời gian qua tăng mạnh. Tính đến cuối tháng 9, dư nợ ở mảng ngoại tệ tăng trên 20,77%, cao gấp 5 lần tín dụng tiền đồng, trong khi huy động ngoại tệ không theo kịp. Dư nợ ngoại tệ trên địa bàn TP HCM đến cuối tháng 11 cũng tăng hơn 9%, trong khi nội tệ chỉ tầm 8%. Điều này khiến nhiều người lo ngại tình trạng các ngân hàng cho vay vượt quá khả năng huy động của mình và đối mặt rủi ro thanh khoản ngoại tệ.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số quan điểm cho rằng thanh khoản ngoại tệ không đáng ngại bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thặng dư thương mại các năm gần đây liên tục tăng. Bên cạnh đó, nguồn kiều hối về Việt Nam năm 2014 dự kiến sẽ tăng 10% so với cùng kỳ, đạt khoảng 11 tỷ USD.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhận định tín dụng ngoại tệ tăng cao thời gian qua nhưng sẽ không tạo áp lực với tỷ giá. Bởi các khoản vay tín dụng chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu, họ là những đơn vị có thể cân đối được nguồn USD trả nợ. Do đó, khi đến lúc đáo hạn hợp đồng tín dụng, doanh nghiệp không phải lo ngại vấn đề mua đôla để trả nợ ngân hàng nên khó tạo ra sự căng thẳng tỷ giá.
Đối với trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ nhưng không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay, các ngân hàng chỉ xem xét cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
"Nhìn chung, Thông tư 29 thời gian qua có rất nhiều điểm tích cực đáng ghi nhận, góp phần giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất, kinh doanh", ông nói.
Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu chống đôla hóa trong nền kinh tế nhưng có sự linh hoạt trong từng giai đoạn cụ thể. "Còn hiện nay, việc có gia hạn tiếp cho nhóm doanh nghiệp vay ngoại tệ để sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong nước và xuất khẩu qua biên giới hay không phải do Ngân hàng Trung ương quyết định", ông Minh nói.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần phía nam cho biết, trong dư nợ ngoại tệ, tỷ lệ cho vay với nhóm khách hàng là doanh nghệp xuất khẩu khá cao, trên 65% tổng dư nợ ngoại tệ. "Thời gian tới, nếu nhóm này bị siết thì tín dụng ngoại tệ của ngân hàng chắc chắn sẽ giảm mạnh", ông tâm sự.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng dự báo, dư nợ mảng ngoại tệ sẽ giảm xuống khá mạnh trong thời gian tới. Vì trước giờ, ngân hàng cho vay ngoại tệ chủ yếu là với doanh nghiệp xuất khẩu - những đơn vị có thể cân đối được nguồn trả nợ.
Đứng về góc độ chuyên gia độc lập, phần lớn đều cho rằng, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước khá dồi dào nên nhà quản lý có thể cân nhắc nới cho vay ngoại tệ thêm một thời gian nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh lãi suất tiền đồng vẫn còn cao.
Lệ Chi

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét